LTS: Trước thực trạng xã hội hiện nay có rất nhiều giáo viên không yêu nghề, TS báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được bức thư cảm động của thầy giáo Hồ Tuấn Anh (GV dạy sử của Trường THPT Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Thầy Tuấn Anh đã có thâm niên gần hai mươi năm gắn bó với nghề giáo và được nhiều thế hệ học trò yêu kính. Chúng tôi xin đăng tải toàn bộ bức thư cảm động này: Là một giáo viên gần hai mươi năm gắn bó với
nghề dạy học, tôi từng trải qua công tác ở những miền quê khó khăn nơi miền núi heo hút cho đến đô thị sôi động, cũng đã đạt một số thành tích đáng kể được tặng bằng khen từ địa phương đến trung ương. Vì thế mà tôi thực sự buồn khi đọc thông tin trên các phương tiện truyền thông có tới 50% giáo viên không yêu nghề.
Là một giáo viên lâu năm, tôi thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của nhà giáo, đặc biệt là những giáo viên trẻ. Tôi không dám trách những giáo viên đã khẳng khái nhận mình không yêu nghề. Nhưng tôi cũng muốn chia sẻ quan điểm của một nhà giáo về cơ sở của lòng yêu nghề đôi khi không chỉ đơn thuần là tiền tài hay danh vọng.
Quả thật từ khi bước chân vào nghề dạy học, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng đi dạy là để nhận được danh hiệu này hay chức vụ kia, mà trước hết là cố gắng để làm tròn bổn phận của mình đối với sự phân công của xã hội. Vì thế trong mọi nhiệm vụ, tôi đều cố gắng hoàn thành không chỉ bằng tâm huyết nghề nghiệp, mà còn với lòng tự trọng cao nhất. Mỗi bài giảng không chỉ được chuẩn bị bằng kiến thức, kĩ năng chuyên môn, mà còn được nung nấu, ấp ủ bằng tình cảm, trách nhiệm và lòng tự trọng của một nhà giáo. Đó là phương châm nghề nghiệp và cũng là động lực để bản thân tôi không ngừng học hỏi,
phấn đấu, để mình không phải cảm thấy xấu hổ khi đứng trước học trò.
Tôi sinh ra vốn không phải đã có sẵn năng khiếu bẩm sinh của một nhà giáo, cũng không đắn đo xem làm nhà giáo sẽ được gì, mất gì. Lại càng không phải là người tài giỏi xuất chúng so với các đồng nghiệp khác. Nhưng tôi lớn lên trong một gia đình có nhiều người làm nghề dạy học, có nhiều đồng nghiệp tốt luôn sẵn sàng chia sẻ, động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Bên cạnh tôi có nhiều học trò với niềm khát khao học tập, có một gia đình thanh bạch và êm ấm, có bà con làng xóm hết mực kính trọng, thương yêu... Tất cả đã tạo nên động lực to lớn giúp tôi nỗ lực phấn đấu để làm việc thật tốt, xứng đáng với những gì mình đã có. Mỗi khi nghe tin học trò báo tin: Thầy ơi em đậu đại học rồi, thầy ơi em có việc làm rồi, hay cao hơn nữa là thầy ơi em bảo vệ thành công
luận án Tiến sĩ rồi thì tôi cảm thấy như mình đã nhận được những phần thưởng cao quý của nhà giáo và lại tự hứa với lòng mình hãy cố gắng hơn nữa.
Hạnh phúc của nhà giáo là sự thành công của các thế hệ học trò, từ sự kính trọng của bà con lối xóm, từ sự ngoan ngoãn của những đứa con, sự bình yên ấm áp của gia đình. Hạnh phúc đó không dễ gì có được, xin mỗi nhà gião hãy trân trọng.
Tôi cũng không có nhiều điều kiện thuận lợi để dồn hết tâm sức cho sự nghiệp trồng người, cũng không vĩ đại đến mức để hi sinh hết quyền lợi cá nhân cho cộng đồng xã hội. Trong gần 20 năm đi dạy cách nhà 20 km cũng phải vượt qua muôn vàn trở ngại, cũng phải chịu áp lực của “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục mà không phải lúc nào lương tâm cũng thanh thản. Cũng phải lo gánh nặng cơm áo cho gia đình trong thời buổi giá cả leo thang. Nhưng rồi thầm so sánh với thế hệ nhà giáo của những thập niên 80-90 trở về trước, trong đó có mẹ tôi, có những thầy cô mà tôi rất mực kính trọng trong suốt thời đi học, thì mới thấy khó khăn của mình chưa thấm vào đâu. Thế hệ nhà giáo trước đó phải xứng đáng là những anh hùng.
Đó cũng là một nguồn động lực để tôi vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của giáo viên. Vì thế mà khi đến với học sinh trong lớp học, tôi không chỉ có giáo án chuyên môn, mà luôn có nụ cười khích lệ các em học tập, vừa dạy, vừa dỗ. Mọi ưu phiền, buồn bực của cuộc sống đời thường đều để lại ngoài cửa lớp.
Vẫn biết nhà giáo vẫn còn nhiều người quá khó khăn vì
đồng lương eo hẹp; có những giáo viên dạy hợp đồng hàng chục năm phải chịu nhiều thiệt thòi về chế độ và luôn trong tâm trạng lo lắng bất an cho tương lai; môi trường học đường đang bị vẩn đục vì những thói hư tật xấu ngoài xã hội xâm nhập vào; áp lực thành tích trong
giáo dục vẫn còn nặng nề khiến cho áp lực công việc của nhà giáo thêm phần căng thẳng. Rồi đôi lúc giật mình so sánh với những công chức ở các ngành khác mà không khỏi ngậm ngùi. Nhưng đã đứng trên bục giảng thì hãy trân trọng công việc của mình.
Hồ Tuấn Anh (GV Trường THPT Hoàng Mai, Nghệ An)