Đây là nơi tôi cũng chỉ nghe nói trên tivi, báo đài về trẻ em vùng cao chứ chưa bao giờ đặt chân đến.
3g chiều chủ nhật, xe bắt đầu lăn bánh.
Tám tiếng ngồi xe đi, tám tiếng ngồi xe để quay trở về, cũng gần tám tiếng để nghỉ ngơi, ngủ, ăn uống, vệ sinh cá nhân và chỉ còn tám tiếng hòa mình vào cuộc sống thường nhật nơi đây.
Thời gian sao mà ít ỏi thế. Có vậy mới hiểu thế nào là "của một đồng công một nén".
23g, trong bóng đêm cao nguyên cả đoàn reo hò khi người hướng dẫn bảo đã đến nơi rồi.
Nhóm các mẹ ở TP.HCM cùng con đi từ thiện ở cao nguyên - Ảnh: Đ.C.A. |
Tiếp đón đoàn là nồi cháo nóng hổi của vợ chồng thầy hiệu phó trong cái lạnh thấu xương của vùng cao nguyên.
Ăn xong bát cháo ấm, cả đoàn đến nơi các thầy cô giáo đang luộc bánh chưng, bánh tét.
5g30 sáng hôm sau thức giấc, sau khi vệ sinh cá nhân xong bước ra đường là 6g30, học sinh đã lác đác đến trường.
Lễ chào cờ sáng thứ hai bắt đầu như bao ngôi trường khác trên khắp đất nước, nhưng thật xúc động khi được đứng cùng các con, bên cạnh là những đứa trẻ đồng trang lứa với con, chân còn cáu đen bùn đất, manh áo phong phanh trong cái lạnh cao nguyên đứng nghiêm trang chào cờ Tổ quốc.
Các con có dịp cảm nhận về trẻ em vùng cao - Ảnh: Đ.C.A. |
Khi các con lên lớp là lúc cả đoàn chúng tôi hối hả phân chia những món quà nhỏ đã được các nhà hảo tâm từ TP.HCM tin tưởng giao phó.
Sau khi chia quà thì phần nhộn nhịp nhất là chia bánh chưng, bánh tét, giò lụa và nước ngọt cho khoảng 700 em học buổi sáng, cùng khoảng 500 hộp thịt rim nước mắm cho các em học buổi chiều.
Gần 1.200 phần quà và suất ăn mà chúng tôi chỉ có 19 người, hai bác tài chẳng ai bảo ai cũng xông vào làm cật lực.
Cứ tưởng nhiệm vụ khó hoàn thành trước 14g nhưng với sự nhiệt tình của cả đoàn, của ban giám hiệu và thầy cô, các học sinh nơi đây đã có một phần quà, một bữa ăn ấm lòng và một chút thời gian cho trò chơi tập thể.
Người nghèo là người làm việc ít?
Trước khi đi hai mẹ con tôi đã cùng nhau tìm hiểu và đọc một số bài viết về các học trò nơi đây, nhưng cho đến khi được nhìn thấy tận mắt, được ôm các em trong tay mới thấy thật gần gũi, thân thương.
Những ánh mắt ngơ ngác, những nụ cười hồn nhiên khi được tặng quà.
Ánh mắt ngơ ngác, những nụ cười hồn nhiên khi được tặng quà - Ảnh: Đ.C.A. |
Mẹ con tôi có lẽ không bao giờ quên lời của thầy hiệu phó: “Học trò ở đây có nhiều em phải thức dậy từ 3g30 để kịp vào lớp lúc 7 giờ. Học trò ca chiều tan học lúc 16g30 mà cũng phải tầm 19g mới về đến nhà. Trong cặp các em đều phải có đèn pin”.
Cả một khu vực trong vòng bán kính hơn 15km chỉ có một trường tiểu học, chính vì thế những em ở xa nhất có thể phải đi bộ mười mấy kilômet để đến trường, gần thì cũng 4-5km. Địa hình đồi núi nên không thể đi xe đạp.
Mang thắc mắc tại sao giữa cao nguyên được cho là trù phú với những rẫy tiêu, điều bạt ngàn mà học sinh nơi đây lại khó khăn thế? Thầy hiệu trưởng giải thích đất khu vực này cho sản lượng thấp do đó hầu hết các gia đình phải đi làm thuê ở những xã bên, một tuần mới về một lần nên lũ trẻ phải ở nhà tự chăm sóc lẫn nhau.
Phần quà cho học sinh là bữa ăn ấm lòng - Ảnh: Đ.C.A. |
Rồi thầy hiệu trưởng xuýt xoa: chưa bao giờ tất cả học trò đều có quà như thế này. Món quà nhỏ nhưng mang ý nghĩa khích lệ tinh thần các em rất lớn.
Thuần, con của một người bạn, gởi đi cùng chúng tôi. Bạn ấy về nói với mẹ rằng "có phải những người nghèo là những người không làm việc nhiều không?". Mẹ Thuần đã giải thích cho bạn ấy không hẳn là vậy, và chị ấy nói thế là có chuyện hay để trò chuyện cùng nhau mà con cũng phát hiện thêm nhiều điều trong cuộc sống.
Suốt những tuần sau đó trên đường đi học, trong bữa cơm hay cả trước khi ngủ, mẹ con tôi vẫn còn ríu rít kể về những em bé vùng cao.
Với con gái tôi, một ngày không đến trường ấy đã mang lại những ấn tượng khó quên về những em bé vùng cao phong phanh trong chiếc áo mỏng cùng trái tim nóng bỏng mỗi ngày đến trường.
Với tôi, một ngày con không học chữ ở trường nhưng con đã biết yêu thương, biết cảm thông, biết chia sẻ, và điều cảm động nhất là khi con gái thủ thỉ “theo con, các em ở đây đúng là những thiên thần".
Tác giả bài viết: ĐOÀN CẨM ANH